15/08/2022 06:02

Các nước châu Âu tổn thương khác nhau khi giá năng lượng tăng

Châu Âu đang đối mặt với cú sốc lớn về giá năng lượng. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình ở đây sẽ tăng trung bình khoảng 7% trong năm nay so với đầu năm 2021.

Tuy nhiên, không phải ai ở châu Âu đều chịu ảnh hưởng như nhau. Nếu xét theo từng nước, sự khác biệt là không nhỏ. Các gia đình ở Phần Lan trung bình sẽ nặng gánh chi tiêu thêm 4%. Nhưng chỉ cần đi qua biển Baltic, tình hình sẽ rất khác. Ở Estonia, các hộ gia đình phải đối mặt với mức thiệt hại khoảng 20%. Trong khi đó, hầu hết nền kinh tế còn lại ở châu Âu có chi phí tăng trong khoảng giữa hai nước này.

Trung bình, người châu Âu chi 10% thu nhập cho năng lượng. Các gia đình giàu hơn thường sở hữu nhà và ôtô lớn hơn, nhưng mức tăng chi phí năng lượng nhìn chung không có nhiều khác biệt.

Trong khi đó, các hộ gia đình nghèo phải chi nhiều hơn cho năng lượng. "Ở hầu hết các nước châu Âu, giá năng lượng cao gây ra gánh nặng lớn hơn với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Vì tỷ lệ chi cho điện và khí đốt trong ngân sách của nhóm này cao hơn", IMF nhận định. Các nước Đông Âu nghèo hơn dễ bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng so với Bắc Âu giàu có.

Các nước châu Âu tổn thương khác nhau khi giá năng lượng tăng

Mức tăng của chi phí năng lượng (%) so với tổng chi tiêu hộ gia đình. Màu xanh là 20% hộ gia đình có thu nhập cao nhất và màu đỏ là 20% hộ thu nhập thấp nhất. Nguồn: IMF

Sự phụ thuộc vào khí đốt là một yếu tố quan trọng khác trong việc đánh giá mức độ tổn thương của mỗi nước châu Âu. Giá khí đốt bán buôn đã tăng gấp đôi kể từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraine.

Giá than cũng tăng, nhưng có thể kiểm soát được hơn 60%. Trong khi đó, giá năng lượng tái tạo không đổi. Nhờ thị trường khí đốt tự nhiên gần như thống nhất, các nước châu Âu chịu mức giá bán buôn tương tự nhau. Điều này có nghĩa các máy điện khí ở Bulgaria thuộc sườn phía đông của lục địa cũng trả tiền nhiên liệu đầu vào gần giống Ireland ở phía tây.

Tuy nhiên, các quốc gia lại khác nhau về độ phụ thuộc. Chưa đầy 3% năng lượng của Thụy Điển đến từ khí tự nhiên. Nước này sử dụng chủ yếu là thủy điện, điện gió và hạt nhân. Các ngôi nhà ở Thụy Điển được sưởi ấm bằng hệ thống chung, thường được cấp nhiên liệu bằng gỗ vụn hoặc các máy bơm nhiệt. Điều đó giúp chi tiêu hộ gia đình chỉ tăng trung bình khoảng 5%, bằng nửa Anh - nước vốn phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên nhiều hơn.

Cách các nước tính toán từ giá bán buôn sang giá bán lẻ khí đốt cũng khác nhau. Ở nhiều quốc gia, các công ty năng lượng mua khí đốt theo hợp đồng dài hạn để phòng ngừa rủi ro khi giá bán buôn tăng.

Khi đó, cấu trúc thị trường khác nhau có nghĩa là giá chuyển đến người tiêu dùng cũng có mức biến động khác nhau. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, biểu giá tiêu dùng thường được cập nhật hàng tháng. Còn ở Ba Lan, chúng chỉ được điều chỉnh hai lần một năm.

Ở những nơi khác, các chính phủ còn "đóng băng" giá bán lẻ. Tại Pháp, nơi công ty quốc doanh Électricité de France (EDF) thống trị thị trường, chính phủ giới hạn mức tăng giá là 4%.

Hầu hết sản lượng điện của quốc gia này đến từ năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, việc bảo trì bị trì hoãn trong thời gian dài khiến họ phải nhập khẩu thêm điện từ nước láng giềng, sản xuất từ các nhà máy điện khí.

Các nước châu Âu tổn thương khác nhau khi giá năng lượng tăng

Cung điện hoàng gia Marid, Tây Ban Nha không được thắp sáng tối 10/8. Ảnh: Reuters

Theo IMF, đến nay, các nhà hoạch định chính sách của châu Âu đối phó với việc chi phí năng lượng tăng chủ yếu bằng biện pháp giảm giá trên diện rộng, gồm trợ cấp, cắt giảm thuế và kiểm soát giá cả.

Dù vậy, chi phí cho các biện pháp này đang ngày càng tăng, khiến ngân sách các nước co hẹp lại. Ở nhiều quốc gia, chi phí này sẽ vượt 1,5% GDP trong năm nay.

Mặt khác, việc áp trần mức tăng giá điện cũng làm giảm động lực tiết kiệm của các hộ gia đình. Điều này cũng giúp người giàu có lợi hơn. Theo Economist, cách tốt hơn là các chính phủ chỉ nên trợ giá năng lượng cho những mục tiêu cụ thể vào lúc cần thiết.

Tuy nhiên, theo tính toán của Ngân hàng Trung ương châu Âu, chỉ 12% chi tiêu của các quốc gia EU nhằm hạn chế tác động của giá năng lượng cao được triển khai một cách có mục tiêu. Do đó, Economist cho rằng châu Âu nên phân bổ lại hỗ trợ theo cách hiệu quả hơn để đối phó với một cú sốc năng lượng vốn tác động không đồng đều.

Phiên An (theo The Economist, IMF)

Tags:

năng lượng

châu Âu

khủng hoảng năng lượng

tiết kiệm điện

Sức khoẻ nền kinh tế

Tin

Tin nóng

Tin cùng chuyên mục