10/07/2023 11:27

Giảm áp lực cho thị trường lao động

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, quý 2/2023, lực lượng lao động đang làm việc tăng so với quý trước. Tuy nhiên, thị trường lao động việc làm vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do các doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng sản xuất.

Đáng chú ý, tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các DN vẫn tiếp diễn, có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức. Áp lực sa thải lao động từ các DN tạo ra sự chuyển dịch mạnh lao động từ khu vực công nghiệp và xây dựng sang khu vực dịch vụ. Lao động phi chính thức ở khu vực dịch vụ tăng mạnh.

Theo báo cáo từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của các DN trên cả nước trong quý 2 khoảng 241,5 nghìn người; giảm 52,5 nghìn người so với quý trước, chủ yếu là lao động ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 84,1%), tập trung ở ngành da giày với 66,3% và dệt may với 14,4%.

Chỉ ra những điểm hạn chế của thị trường lao động, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, số người lao động (NLĐ) có việc làm nói chung vẫn tiếp tục tăng, nhưng xét về chất lượng lao động thì thị trường lao động phát triển không mang tính bền vững, công việc của NLĐ không ổn định, bấp bênh, điều kiện làm việc không bảo đảm và thu nhập thì thấp. Số người có việc làm phi chính thức (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp) trong quý 2 là 33,3 triệu người, tăng 301.900 người so với quý trước. Bên cạnh đó, áp lực sa thải lao động từ các DN tạo ra sự chuyển dịch mạnh lao động từ khu vực công nghiệp và xây dựng (lao động chính thức) sang khu vực dịch vụ (phần lớn là lao động phi chính thức).

Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố, số DN đăng ký giảm 17% so với cùng năm 2022 và tăng 22% về số DN tạm ngừng hoạt động; Số lao động được tạo việc làm mới giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhận định thị trường lao động những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ sẽ rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các DN, đặc biệt là các DN FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung - cầu lao động; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ NLĐ khi tham gia giao dịch việc làm (chi phí đi lại, thông tin truyền thông...). Tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống; đồng thời kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu NLĐ tìm kiếm việc làm mới.

Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho NLĐ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, Tổng cục đề xuất một số giải pháp, như Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN và NLĐ, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho DN. Cùng với đó, có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các DN thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện - điện tử...

Chủ đề: thị trường Giảm áp lực Lao động choTin liên quan

Giảm áp lực cho thị trường lao động

Thị trường lao động 6 tháng cuối năm: Vẫn còn nhiều áp lực

23/06/23 09:12

Tags:

Giảm áp lực

cho

thị trường

lao động

Tin cùng chuyên mục