Hà Nội: Trường ngoài công lập ổn định nguồn tuyển sinh lớp 10
Ngay sau khi công bố điểm thi và điểm chuẩn, thời gian điểm này là lúc các thí sinh thi vào 10 THPT tại Hà Nội sẽ đưa ra những quyết định cho mình nếu không đỗ các nguyện vọng đã đăng ký trước đó.
Là trường ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội, trao đổi với Người Đưa Tin, bà Lê Ngọc Lan – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Long, Ba Đình cho biết những năm trở lại đây với việc tăng mạnh về số lượng thí sinh cũng tạo ra sự ổn định nguồn tuyển cho các trường tư thục.
“Chúng tôi sử dụng xét tuyển học bạ đối với những thí sinh có nhu cầu đăng ký học từ sớm và xét tuyển theo kết quả thi vào 10 THPT, đến nay về cơ bản nhà trường đã tuyển đủ chỉ tiêu”, bà Lê Ngọc Lan bày tỏ.
Bà Lan cũng đánh giá hiện nay cũng có không ít phụ huynh và học sinh thay đổi về việc học trường ngoài công lập, nhiều cơ hội học tập được mở ra, thậm chí các em có việc làm ngay sau khi hoàn thành 3 năm học phổ thông là những điều khiến nhiều gia đình lựa chọn.
Nhiều cơ hội mở ra cho thí sinh vào 10 (Ảnh: Hữu Thắng)
Được giao 360 chỉ tiêu cho năm học này, Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa có 2 phương thức xét tuyển.
Các em có thể phỏng vấn trực tiếp và xét học bạ đối với thí sinh tham gia xét tuyển đầu cấp hoặc xét tuyển thêm hình thức dựa vào điểm thi vào lớp 10 của kỳ thi tuyển sinh của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Lời khuyên cho các em ở thời điểm này trao đổi với Người Đưa Tin, ThS.Đoàn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Phenikaa cho rằng việc học trường công lập là một lựa chọn tốt, nhưng không phải là cơ hội duy nhất cho các em học sinh, đặc biệt là những em chuẩn bị vào lớp 10.
“Các bậc phụ huynh và các em học sinh nên cân nhắc đến các lựa chọn khác như trường tư thục hoặc trường quốc tế. Những trường này thường có chương trình giảng dạy linh hoạt, chú trọng vào phát triển kỹ năng mềm và tư duy sáng tạo, giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phát triển toàn diện”, bà Đoàn Thu Hà bày tỏ.
Điều quan trọng nhất là tìm ra môi trường học tập phù hợp với năng lực, sở thích và mục tiêu của từng học sinh, để các em có thể phát triển tối đa tiềm năng của mình và tự tin, thành công trong tương lai.
ThS.Đoàn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Phenikaa.
Trước đó, khi kỳ thi vào lớp 10 THPT diễn ra, dưới áp lực trường công, nhiều phụ huynh đã phải sớm chuẩn bị các phương án dự phòng cho con.
Đặt nguyện vọng 1 cho con tại Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông, trao đổi với Người Đưa Tin, anh Bùi Mạnh Thắng (Hạ Trì, Hà Đông) cho biết: “Trước khi thi gia đình đã tìm hiểu và có đăng ký giữ chỗ với chi phí hơn 3 triệu đồng tại một trường tư trên địa bàn quận, nếu không học thì sẽ mất khoản tiền đó. Có thêm sự lựa để con có tâm lý vững vàng đi thi, tránh áp lực phải đỗ hay hoang mang khi biết điểm”.
Vị phụ huynh chia sẻ khi lựa chọn trường "dự bị" cần phải cân nhắc cả yếu tố tài chính. “Quận Hà Đông có dân số đông nhưng chỉ có một vài trường công như Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông, THPT Trần Hưng Đạo, THPT Quang Trung. Tâm lý phụ huynh thì đều muốn con mình học trường công bởi không phải ai cũng có điều kiện, mình chỉ làm công ăn lương việc học trường nhà nước để đỡ chi phí hằng ngày, hằng tháng”, anh Thắng bày tỏ.
Chọn 3 nguyện vọng và chấp nhận cho con học ở xa là phương án của chị Ánh Tuyết – phụ huynh cũng có lựa chọn Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông.
“Gia đình cũng rất áp lực khi ngày càng khó khăn để con có chỗ học như bây giờ. Tôi đã chọn thêm trường ở quận Thanh Xuân để làm phương án dự phòng cho con. Tôi nghĩ mong muốn học môi trường nào là nhu cầu cơ bản của phụ huynh và học sinh và cần sớm có phương án giải quyết đặc biệt với những khu vực đông đúc”, chị Ánh Tuyết chia sẻ.
Phụ huynh cho rằng, ngay cả khi đỗ vào trường mong muốn nhưng với lượng học sinh đông, lớp học có sĩ số lớn vẫn sẽ khó để tiếp thu bài học tốt nhất.
Xét trong 117 trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội, Trường THPT Yên Hòa, THPT Chu Văn An tiếp tục có mức điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 cao nhất Hà Nội với 42,5 điểm. Với cách tính điểm xét tuyển là tổng 3 môn thi, trong đó, Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, để trúng tuyển, thí sinh cần đạt trung bình mỗi môn 8,5 điểm. Xếp thứ 2 là THPT Thăng Long với 42,25 điểm. Tiếp theo là THPT Phan Đình Phùng, THPT Kim Liên, THPT Nguyễn Gia Thiều với 41,75 điểm.
Tags:giáo dục
học sinh
giáo viên
nhà trường
xét tuyển
thi vào 10
ngoài công lập
công lập
Sở GD&ĐT Hà Nội
đánh giá
công lập
ngoài công lập
lựa chọn
Tin cùng chuyên mục