Trình phương án giá điện trước 25/10, EVN Hà Nội đổi lịch chốt số công tơ điện
Trình phương án giá điện trước 25/10, EVN Hà Nội đổi lịch chốt số công tơ điện
Hạnh Nguyên Xem các bài viết của tác giả
15/10/2023 15:21 (GMT+07:00)
Trình phương án điều chỉnh giá điện trước 25/10; EVN Hà Nội thay ngày chốt chỉ số công tơ tiền điện; Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 7 ngày/lần;... là những thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.
Trình phương án điều chỉnh giá điện trước 25/10
Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác điều hành giá 9 tháng năm 2023 và định hướng những tháng còn lại của năm 2023.
Về giá điện, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình phương án điều chỉnh giá trước ngày 25/10 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trình tự, thủ tục quy định. (Xem thêm)EVN Hà Nội thay ngày chốt chỉ số công tơ tiền điện
EVN Hà Nội thay ngày chốt chỉ số công tơ, ngày ghi chỉ số ở 21 quận huyện sẽ thực hiện từ 30/11, thay vì trải dài từ ngày 3 đến 20 hàng tháng như lâu nay.
Trước câu hỏi việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ có làm số tiền người dân phải trả tăng, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), cho biết, mức sử dụng điện của từng bậc thang sẽ được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số. Vì vậy, chi phí tiền điện thực tế mà người dân thanh toán sẽ không thay đổi. (Xem thêm)- Đề xuất 6 nội dung trong lộ trình cải cách tiền lương từ 1/7/2024
Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung (dự kiến thực hiện từ 1/7/2024) gồm: xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 9 vừa qua, các bộ ngành cho biết, đến nay cả nước đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết số 27 của Trung ương khóa 12. (Xem thêm)Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu 7 ngày/lần
Tại báo cáo tóm tắt về tờ trình sửa đổi Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu, gửi Văn phòng Chính phủ ngày 10/10, Bộ Công Thương nêu hai phương án điều hành giá.
Sau khi phân tích và nhận ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giữ nguyên cách điều hành giá như hiện nay để kiểm soát nguồn cung, giá bán trong nước. Tuy nhiên, thời gian rà soát các chi phí đưa vào giá xăng dầu được đề nghị rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Thời gian giữa hai chu kỳ điều hành giá cũng rút ngắn từ 10 ngày hiện tại xuống 7 ngày, cố định vào thứ năm hàng tuần.
Ngân hàng Nhà nước tìm nhà đầu tư để cơ cấu lại SCB
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương. Thông tin này vừa được Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc xử lý các ngân hàng yếu kém.
Ngoài ra, NHNN cũng đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với bốn ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank)
Đề xuất mới về xây chung cư mini
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ. Tại báo cáo này, Bộ Xây dựng nêu ra 2 phương án về phát triển nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ (còn gọi là chung cư mini).
Hà Nội hiện có khoảng 2.000 chung cư mini (Ảnh: Hồng Khanh)
Bộ Xây dựng đề xuất chọn phương án 1. Theo phương án 1, đối với trường hợp xây chung cư mini để bán, cho thuê mua căn hộ, Bộ đề nghị hộ gia đình, cá nhân xây dựng phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở. Việc đầu tư xây dựng cũng thực hiện theo quy định giống với dự án nhà ở. (Xem thêm)Đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý Ủy ban Pháp luật Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở. VCCI đề xuất nhiều quy định về mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội, quy định chỗ sạc xe điện và đề xuất cấm cho thuê và bán căn hộ riêng lẻ dạng chung cư mini.
Dự thảo Luật Nhà ở quy định, người được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội, chủ yếu là có thu nhập thấp, không có điều kiện mua nhà ở thương mại. Song VCCI cho rằng, thực tế nhiều người không thuộc nhóm này, cũng không có khả năng mua nhà.
Giao dịch chuyển tiền sẽ bắt buộc xác thực khuôn mặt
Tại Hội thảo “Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội cho nông dân” tổ chức sáng 13/10 tại Hà Nội, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN - cho biết cơ quan này đã nghiên cứu dự thảo, gửi các tổ chức tín dụng lấy ý kiến về biện pháp xác thực bằng sinh trắc học, thu thập dữ liệu từ CCCD gắn chíp. Đây là tiền đề để đảm bảo chính chủ khi mở tài khoản bằng eKYC, cũng là tiền đề để đảm bảo người mở tài khoản là người thực hiện dịch vụ thanh toán.
Dự kiến quyết định này sẽ có hiệu lực từ 1/4/2024 để có đủ thời gian cho các ngân hàng, các trung gian thanh toán thu thập dữ liệu người dùng. (Xem thêm)Người có chức vụ tại NHNN không được quản lý DN liên quan sau khi nghỉ
NHNN đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng sau khi thôi giữ chức vụ trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của NHNN.
Theo đó, các lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ. (Xem thêm)
Bình luận
Tags:giá điện
giá xăng dầu
cải cách tiền lương
chung cư mini
nhà ở xã hội
giao dịch chuyển tiền
tiền điện
Tin cùng chuyên mục